Vào những ngày cuối năm, bắt đầu một kỳ nghỉ lễ quan trọng, người Việt ở Úc lại đổ ra siêu thị mua sắm, các gian hàng bán thức ăn đồ uống, quà tặng hay quần áo… luôn đông khách.
Sau khi đón tết tây, người Việt tại Úc chuẩn bị đón tết cổ truyền. Tết sẽ rơi vào cuối tháng 1 nên năm nay trùng với có một ngày quan trọng của nước Úc là ngày quốc khánh – Australia Day. Ngày này thường thì chính phủ công bố giải thưởng cho những cá nhân xuất sắc của năm vừa qua để vinh danh họ và khuyến khích toàn xã hội làm việc, cống hiến nhiều hơn nữa.
Cuối tháng 1 là thời điểm học sinh, sinh viên Úc quay trở lại trường sau nhiều tháng nghỉ ngơi. Rất đông phụ huynh và học sinh ghé thăm nhà sách, mua sách. Ngoài ra, đây là thời điểm người Việt ở Úc chuẩn bị đón tết cổ truyền nên các cửa hàng tiện lợi chuyên bán đồ dùng gia đình, các cửa hàng bán thức ăn chế biến sẵn luôn đông khách.
So với vài năm trước đây thì nay hàng hóa dành cho tết Việt không còn khan hiếm nữa. Các mặt hàng tết hầu như rất đầy đủ ở những khu đông người Việt như Cabramatta ở Sydney, Footscray ở Melbourne, Inala ở Brisbane…
Ở các khu chợ người Việt không khí tết tràn ngập với sự có mặt của liễn treo tết (chữ Việt chữ Hán đều có), bao lì xì, các tranh ảnh trang trí tết, hoa mai hoa đào (cả hoa giả và hoa thật).
Các shop tây (theo cách nói của người Việt – chỉ các cửa hàng do người Úc làm chủ) cũng không bỏ lỡ dịp kinh doanh này. Họ treo đèn lồng màu đỏ, ghi bảng “chúc mừng năm mới”, bên trong bán các loại hoa tết mà người Việt hay chưng như vạn thọ, cúc, đào Singapore, huệ, lay-ơn, trái cây thì có dưa hấu, xoài…
Riêng các loại thức ăn đặc biệt của ngày tết như bánh tét, bánh chưng, giò thủ… thì tiệm Việt rất nhiều. Ở các tiệm này, kể cả những thứ tỉ mỉ nhất như giấy đốt cúng ông Táo, cúng tổ tiên, thần tài… đều có.
Thường thì dịp Tết Nguyên đán, người Việt vẫn đi làm bình thường, nhưng vẫn luôn cố gắng giữ gìn phong tục của mình, cũng cúng tổ tiên, lì xì, lên chùa lễ Phật, xin xăm, thăm hỏi, chúc tụng nhau…
Chính phủ Úc khuyến khích các sắc dân giữ gìn bản sắc dân tộc mình để xây dựng một xã hội đa văn hóa và hài hòa. Vậy nên trong các dịp lễ tết của người Việt, hình ảnh các chính trị gia lên Facebook hay lên sân khấu mặc áo dài, khăn đóng, phát biểu mở đầu “Chúc mừng năm mới” là điều không còn hiếm. Đây cũng chính là điều khiến người Việt càng vui vẻ hơn trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống nơi xứ người.